Google Dance là gì?

Posted by Master SEO on 10:34 PM with No comments
Có lẽ là khá nhiều người, nhất là những người làm SEO thường hay nghe nói đến hai chữ Google Dance. Đáng lẽ ra tôi đã viết bài này từ vài năm trước nhưng do thời đó tôi chưa có tạo blog. Sau này vì thấy đây cũng chỉ là vấn đề mang tính cơ bản nên tôi nghĩ cũng không cần thiết để viết.
Chiều hôm nay, khi đang lang thang trên mạng ở một diễn đàn về SEO, tôi nhìn thấy bài với tựa đề Google Dance là gì? trong mụcThuật ngữ SEO và tôi có ghé qua xem thì thấy người viết về bài này chưa thật sự đúng lắm nên viết bài này với hi vọng sẽ giúp các bạn hiểu hơn về Google Dance.
Google Dance là gì?

Google Dance có thể dịch nghĩa ra là Sự nhảy múa của Google. Tại sao lại có một cụm từ buồn cười như vậy? Hiện tượng này thì chỉ đa phần những người làm SEO hay kiểm tra thứ hạng các website mới thấy. Còn người dùng bình thường thì sẽ chẳng quan tâm đến hiện tượng này để làm gì. Bởi vì nếu bạn là người dùng bình thường thì khi tìm kiếm trên Google cứ thấy kết quả nào nằm trên đầu thì click vào để xem nội dung thôi.

Google Dance là hiện tượng thứ hạng các website trên trang kết quả tìm kiếm bị thay đổi lên hoặc xuống hạng trong một thời điểm nào đó trong một khoảng thời gian ngắn, thường là vài tiếng đến vài ngày cho đến khi thứ hạng ổn định trong một thời gian dài hơn.

Trong bài viết định nghĩa về Google Dance mà tôi đọc chiều hôm nay trên diễn đàn chỉ thấy nói hiện tượng Google Dance là nói đến website bị rớt hạng.
Vì sao lại có hiện tượng Google Dance?

Hay nói cách khác là vì sao lại có hiện tượng website nhảy hạng liên tục trong một thời gian ngắn nào đó. Các bạn làm SEO chắc cũng biết rằng Google có gần 300 tiêu chí (thậm chí hơn 300 ở thời điểm bây giờ) cho việc sắp xếp thứ hạng các website. Vì vậy, để cập nhật hết 300 tiêu chí này cho hàng tỉ website, mà mỗi website lại có rất nhiều trang thì không thể thực hiện được trong tíc tắc.

Khi cỗ máy Google cập nhật các tiêu chí đó thì cũng giống như một phần mềm chạy trên máy tính của bạn để xử lý một cái gì đó. Mọi thứ đều phải cần thời gian và một quá trình để xử lý.

Nói đến đây thì chắc các bạn cũng đã có thể hình dung được vì sao lại có hiện tượng Google Dance. Đó là khi Google đang xử lý cập nhật thứ hạng cho các website với các tiêu chí của mình. Khi đang trong quá trình xử lý thì thứ hạng sẽ bị nhảy.

Các bạn có thể tưởng tượng như thế này, nếu chỉ khoanh vùng 10 website top đầu Google với một từ khóa nào đó. Thì Google cần phải xử lý từng website một, trong quá trình Google đang xử lý site A thì site A sẽ được lên hoặc xuống dựa vào các chỉ số đánh giá chất lượng riêng của Google, rồi đến site B, site C… thì trong 10 kết quả này sẽ có sự đảo lộn vị trí với nhau.

Hay còn một giả thiết khác nữa là khi Google đang cập nhật tiêu chí a thì website nào thỏa mãn tiêu chí a nhiều nhất sẽ được lên hạng, tất yếu là khi có một số website lên hạng thì sẽ có một số website bị đẩy xuống. Sau đó tiếp đến tiêu chí b, tiêu chí c,…

Theo quan điểm của tôi thì giả thiết thứ 2 có khả năng cao hơn khả năng thứ nhất. Bởi vì nếu chạy theo từng website thì khả năng chồng chéo rất dễ xảy ra ở khía cạnh kỹ thuật.
Làm sao để tránh được hiện tượng Google Dance?

Bởi vì trong bài viết mà tôi đọc có đưa ra vấn đề khắc phục hiện tượng này như thế nào nên tôi cũng đưa ra vấn đề này ở đây. Qua phân tích ở trên thì câu trả lời là bạn phải làm SEO một cách toàn diện hơn.

Ví dụ như bạn muốn đứng yên ở vị trí nào đó thì số điểm mà bạn đạt được phải cách xa hơn những website nằm bên dưới bạn. Hãy tưởng tượng giống như khi Google cập nhật các tiêu chí thì các website sẽ được cộng một số điểm nào đó tương ứng với các tiêu chí đạt được. Cụ thể hơn, tôi đặt giả thiết website của bạn có 1,000 điểm cao hơn website ngay bên dưới bạn. Thì khi Google cập nhật các tiêu chí cho các website, website bên dưới đó được cộng thêm số điểm không đến 1,000 thì sẽ vẫn không thể nào vượt qua bạn được.
Làm sao để phân biệt được hiện tượng Google Dance?

Việc một website lên và xuống hạng có rất nhiều lý do khác. Một trong những lý do đó là bạn có thể bị phạt bởi Google. Vậy làm sao để phân biệt được là website của bạn lên xuống hạng do Google Dance hay do bị phạt?

Như phân tích của tôi về hiện tượng Google Dance thì chắc có lẽ bạn cũng không khó để phân biệt điều này. Câu trả lời là bạn cần phải quan sát các website xung quanh bạn, khi bạn lên hay xuống hạng thì các website đó có bị biến động không hay chỉ có mình bạn bị.

Nếu bạn có ý kiến hay thắc mắc gì thêm, vui lòng bình luận bên dưới.